Từ phố cổ Hội An nhìn về bên kia cầu, Cẩm Nam như một hòn đảo xinh đẹp được bao bọc bởi luỹ tre xanh. Theo gia phả của các tộc họ và lời kể của các vị cao niên trong làng, thì Cẩm Nam (trước đây gọi là làng Cẩm Phô) ra đời tương đối sớm so với các vùng khác của thị xã Hội An. Cuối thế kỷ 14, cồn đất hoang vu nằm giữa dòng chảy của con sông Hoài này là nơi sinh cơ lập nghiệp của những người dân di cư từ miền Bắc vào. Họ lấy nghề trồng lúa, hoa mầu và đánh bắt thủy sản làm kế sinh nhai. Các tên gọi Xuyên Trung, Châu Trung, Trung Tín, Nam Ngạn xuất hiện gắn liền với quá trình khai hoang chiêu dân, lập ấp của các vị thuỷ tổ các tộc Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn vào cuối thế kỷ 15 đến thế kỷ 17.
Từ đó đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm, cư dân nơi đây vẫn giữ được nhiều nếp sống và sinh hoạt như thời cha ông thuở nào. Những ngôi nhà tranh tre vách đất vẫn giữ nguyên hình hài xưa, quanh năm rợp mát dưới bóng hàng dừa, hàng cau... Ðến đây, du khách như bước vào một làng quê yên bình với những nếp nhà tranh phủ khói lam chiều, thơm ngát hương hoa cau trong những khu vườn đầy cây trái. Du khách cũng sẽ gặp những chiếc ghe chở đầy bắp mới bẻ còn thơm mùi sữa, được các cô thôn nữ hối hả chèo về, gió bay nghiêng cả tà áo. Theo chân họ, du khách đến thăm các lò nấu bắp, chỉ đỏ lửa khi màn đêm buông xuống. Không chỉ có vậy, những món ăn dân dã như hến trộn, hến xào xúc bánh tráng, bánh tráng dập chấm mắm nêm, chè bắp Cẩm Nam... đã khiến cho nhiều người xa quê phải nao lòng vì nhớ, ước mong một lần trở lại.
Cẩm Nam đang có xu hướng trở thành khu du lịch nhà vườn, biểu trưng cho làng quê nông thôn miền Trung Việt Nam. Một dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nhà vườn ven sông Hoài, nằm ở phía tây cầu Cẩm Nam, với tên gọi "Làng quê Việt Nam" đang hình thành trên diện tích 12.000 – 15.000m2. Khu du lịch "Làng quê Việt Nam" bao gồm những công trình có dáng nét đậm chất dân gian, từ cấu trúc đến vật liệu xây dựng nhà cửa (nhà ba gian, mái tranh vách đất...), kết hợp với một số kiến trúc khung gỗ, mái ngói, mang dấu ấn của ngôi đình làng xưa. Cùng với việc kiến tạo không gian, dự án sẽ tạo dựng gần như trọn vẹn các sinh hoạt thường ngày của một làng nông thôn Việt Nam trong sản xuất: tát nước gàu sòng; xe nước; cày, bừa bằng trâu bò; cấy lúa; thu hoạch; hay những hoạt động khác như: quay tơ, dệt vải, đan mây tre, chạm gỗ, giã gạo, xay lúa... Ðặc biệt, nhằm tạo thêm dấu ấn độc đáo của cảng thị Hội An những năm 20, các hoạt động như xe kéo, chụp hình trắng đen bằng máy ảnh phủ vải, cũng sẽ được đưa vào ở "Làng Việt Nam". Thậm chí, đầu làng còn có một quán nước phục vụ các “món” đặc trưng thôn quê như chè xanh, nước đậu ván, nước dừa...
Cùng với phố cổ Hội An, du lịch ở thị xã Hội An lại có thêm một sản phẩm mới - du lịch sinh thái miệt vườn.