Bảo tàng Đà Nẵng (chuyển từ cơ sở cũ trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải sang cơ sở tại 42 - 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú) được khai trương đúng vào ngày 29/3/2025 sẽ miễn thu phí tham quan trong cả năm nay (cho đến khi HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí mới đối với Bảo tàng Đà Nẵng).
Bảo tàng Đà Nẵng tọa lạc trên tòa nhà 42 Bạch Đằng, là một nơi tồn tại như một chứng nhân của thời gian. Với khối nhà trung tâm 3 tầng, có mặt tiền hướng ra sông Hàn, được kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Ban đầu, đây là nơi làm việc của các đời Đốc lý Tourane – nên được gọi là Tòa Đốc lý. Tháng 7 năm 1945, đây là nơi làm việc của Thị trưởng Tourane do Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm. Ngày 26 tháng 8 năm 1945, nơi đây trở thành trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thành Thái Phiên. Đầu năm 1947, Pháp tái chiếm Đà Nẵng, nơi đây trở lại với tên gọi là Tòa Đốc lý Tourane cho đến khi Pháp trao trả nhượng địa Tourane cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam vào ngày 03/01/1950. Từ đó, Tòa Đốc lý Tourane chính thức trở thành Tòa Thị chính Đà Nẵng. Ngày 29/3/1975, Tòa Thị chính Đà Nẵng trở thành Trung tâm hành chính của chính quyền cách mạng – từ Đặc khu Quảng Đà đến tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng rồi thành phố Đà Nẵng. Từ cuối năm 2016, đã có chủ trương chuyển đổi công năng tòa nhà này thành Bảo tàng Đà Nẵng.
Với vị trí giao thông thuận tiện trên 3 mặt đường: Bạch Đằng – Quang Trung – Trần Phú, gắn với trục văn hóa – lễ hội, dự án Quảng trường Thành Điện Hải, Thư viện Khoa học Tổng hợp và cảnh quan bờ Tây sông Hàn, Bảo tàng Đà Nẵng – biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị lịch sử – văn hóa bên bờ sông Hàn.
Bảo tàng Đà Nẵng là công trình văn hóa được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, thẩm mỹ và cơ sở vật chất hiện đại. Với gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping và 3D Mapping có tương tác, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách. Bảo tàng Đà Nẵng sẽ gợi mở và dẫn dắt công chúng tham quan trải nghiệm, tìm hiểu về tự nhiên và lịch sử xã hội Đà Nẵng, những câu chuyện về văn hóa cũng như khát vọng đi lên của một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Bảo tàng Đà Nẵng gồm có 3 tầng trưng bày, không gian bên trong được thiết kế một cách khoa học để bố trí các chuyên đề trưng bày hình ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có 9 đại chủ đề, gồm: Bức tường ảnh Tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử Đô thị Đà Nẵng; Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc; Chuyên đề Chứng tích chiến tranh; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; Đa dạng văn hóa; Tòa thị chính Đà Nẵng; Sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng.
HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP nghiên cứu và trình cơ chế thu phí, miễn phí tham quan áp dụng từ năm 2026 trở về sau trong các Nghị quyết (mới) về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan tại các công trình di tích văn hóa lịch sử, bảo tàng trên địa bàn để trình HĐND TP xem xét, ban hành.
Đồng thời, rà soát và xây dựng nghị quyết tổng thể, phù hợp với bối cảnh sáp nhập các đơn vị. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với UBND TP Huế để bổ sung di tích Hải Vân Quan vào danh sách các điểm tham quan theo quy định.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, năm 2025, thành phố ven sông Hàn có nhiều thuận lợi với thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng tiếp tục được minh chứng thông qua nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch cùng với sự yêu thích lựa chọn của du khách.
Nhằm tăng cường khai thác các thị trường khách du lịch tiềm năng để đa dạng hóa nguồn khách, TP Đà Nẵng đang tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ. Đặc biệt là tổ chức chuỗi hơn 30 hoạt động chính và đồng hành nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2025).
Nổi bật trong chuỗi các hoạt động này là chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật trên sông Hàn, diễu hành xe hoa – thuyền hoa, triển lãm “Đà Nẵng - 50 năm phát triển và hội nhập”, các chương trình nghệ thuật đặc biệt, lễ hội Đà Nẵng Food Tour…
Song song còn có các sự kiện lớn trong năm như lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF 2025), Liên hoan phim châu Á, Đại hội du lịch Golf châu Á, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng, IRONMAN 70.3 Viet Nam; lễ hội Vietnam – Asean; lễ hội bóng đá Việt Nam – Anh Quốc 2025 – “Sắc đỏ huyền thoại”; lễ hội “Đón Giáng sinh – Chào Năm mới 2026”...
Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng