Tỉnh Cao Bằng là nơi sinh sống của 28 dân tộc, có nhiều cảnh đẹp và điểm đến lịch sử nổi tiếng, là nơi duy nhất ở Việt Nam hiện không có ca Covid-19.
Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh
Tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên hơn 6.700 km2, trong đó có tới 90% là đất rừng núi. Được che phủ bởi rừng, vì thế không khí ở đây trong sạch, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đây cũng là cửa ngõ đón gió mùa đông bắc từ Trung Quốc tràn sang vào mùa đông và đón gió đông nam vào mùa hè.
Tới đây vào cuối tháng 12 đến tháng 1, du khách sẽ có cơ hội ngắm những rừng cây thay lá đỏ, vàng như châu Âu. Trong đó khung cảnh ở hồ Bản Viết, huyện Trùng Khánh rất nên thơ. Loài cây cao đổi màu trên các vạt núi rừng này có tên gọi là sau sau hay phong hương.
Nơi sinh sống của 28 dân tộc anh em
Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh có hơn 530.000 người. Trên địa bàn tỉnh có 28 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, ngoài ra là Sán Chay, Lô Lô, Hoa, Ngái... Vì thế đến với Cao Bằng, du khách có thể tham quan các làng nghề truyền thống của người dân tộc như làng dệt thủ công người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng hay làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên. Ngoài ra, du khách đừng bỏ lỡ những trải nghiệm du lịch cộng đồng như Về miền văn hóa Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc hay nơi lưu giữ bản sắc người Nùng An, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Vào ngày 12/4/2018, tại kỳ họp thứ 204 của Hội đồng Chấp hành UNESCO, công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ 2 ở Việt Nam sau Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Công viên địa chất toàn cầu tại Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện. Nơi đây có 215 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và 130 điểm di sản địa chất với cảnh quan đá vôi độc đáo với phong phú hình dạng tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông... Ngoài ra cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản địa chất như hóa thạch cổ sinh, các loại hình khoáng sản, vết đứt gãy... minh chứng cho lịch sử phát triển tới 500 triệu năm. Tới công viên địa chất toàn cầu, du khách đừng quên ghé thăm khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc...
Đường biên giới với Trung Quốc dài nhất Việt Nam
Trong 7 tỉnh của Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc thì Cao Bằng có đường biên giới dài nhất, hơn 333 km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong đó, thác Bản Giốc cũng nằm giữa biên giới. Trong 3 tầng thác, thì thác phụ nằm ở Việt Nam với tầng cao 30 m.
Thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á
Với độ cao 53 m, rộng 300 m, chia thành 3 tầng, thác Bản Giốc là một trong những thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và ở vị trí thứ 4 trong các thác nước lớn nhất nằm trên đường biên giới. Thác nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, bắt nguồn từ dòng sông Quây Sơn.
Vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9, dòng nước chảy siết, tung bọt trắng xóa. Từ xa du khách có thể nghe tiếng nước ầm ầm. Còn mùa khô vào tháng 10 đến tháng 3, dòng thác êm ả hơn với màu xanh ngọc. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm ngồi thuyền khám phá cảnh quan thác, với giá 50.000 đồng/người.
Có hồ nước biến mất vào mùa khô
Hồ Nậm Trá dưới chân núi Mắt Thần (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh) có nước dâng cao vào mùa mưa (tháng 6-8) và hạn thành đường đi trong mùa khô. Nơi đây cũng được nhiều du khách mệnh danh là "tuyệt tình cốc Việt Nam" vì khung cảnh hoang sơ, làn nước xanh như ngọc.
Tại đây, du khách cũng được thăm núi Mắt Thần hay núi thủng, được hình thành từ giai đoạn tân kiến tạo, bởi một cửa hang nâng lên cao. Từ đường lớn tới đây, du khách sẽ đi khoảng 15 phút qua lối mòn, nơi sinh sống của người Tày ở xã Bản Danh. Nơi đây có những ngôi nhà lợp ngói âm dương và cánh đồng lúa, ngô trùng điệp.
Suối Lê Nin và núi Các Mác
Khu di tích lịch sử Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng gắn với những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn suối Lê Nin xanh trong, nơi Bác từng ngồi câu cá.
Cách đường dọc bờ suối khoảng 40 bậc thang hướng lên trên là hang Cốc Pó, nơi Bác ở trong thời gian hoạt động tại Pác Bó. Cửa hang nhỏ và hẹp, khi đi qua chỉ vừa một người. Bên trong hang ẩm ướt và lạnh do có mạch nước ngầm. Ngày nay, trong hang vẫn còn giữ lại tấm phản hay còn gọi là giường của Bác khi ở đây. Cụm di tích còn nhiều điểm tham quan khác như hang Ngườm Vải, nền nhà ông La Thanh, cột mốc 108 - nơi phân định biên giới Việt Trung và cụm di tích Khuổi Nậm.
Nguồn: Lan Hương - vnexpress.net