Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các dự án bảo tồn đa dạng sinh học và tái sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái, đồng thời hướng đến việc bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường tự nhiên.
Thành phố Huế cũng đã vinh dự được bình chọn là Thành phố bền vững về môi trường ASEAN tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 12 (Hội nghị AWGESC 12) diễn ra tại Thái Lan vào tháng Sáu vừa qua. Theo đó, mỗi nước thành viên ASEAN đề cử 1 thành phố đáp ứng được các tiêu chí của ASEAN về không khí sạch, đất sạch, nước sạch để trao giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ ba.
Thành phố Huế đã được Hội đồng lựa chọn cùng với chín thành phố khác của ASEAN đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí để trao giải thưởng. Từ đó đến nay, Huế vẫn là thành phố tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững môi trường ASEAN.
Có thể nhận thấy, Huế đang là một điểm đến xanh tự nhiên, đầy ấn tượng với những cảnh quan hấp dẫn du khách như Vườn quốc gia Bạch Mã, hệ đầm phá Tam Giang, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền ẩn chứa những nét đẹp tư nhiên nguyên thủy; vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh đẹp thế giới; sông Hương được xem là dòng sông sạch nhất của Việt Nam chảy qua thành phố...
Mặt khác, du khách ngày nay càng quan tâm hơn đến chất lượng môi trường và chất lượng dịch vụ để lựa chọn điểm đến cho mình. Huế phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết, phù hợp với xu thế lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, cảnh quan thiên nhiên là một loại di sản hấp dẫn du khách, không thua kém di sản kiến trúc cung đình, di sản văn hóa đô thị mà Huế đang sở hữu.
Sự phát triển nhanh chóng của đô thị và kinh tế thị trường không làm thay đổi diện mạo của thành phố Huế, vốn được mệnh danh là thành phố xanh. Ở đây, có nhiều con đường rợp bóng cây xanh, những công viên phủ kín cây xanh và cả những khu vườn đầy hoa trái, nổi tiếng với "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" (thơ Hàn Mặc Tử). Tất cả làm nên một Huế xanh với phong cách riêng mà như nhiều người vẫn gọi "cây xanh của Huế là di sản."
Nhiều du khách đến Huế cho rằng Huế là thành phố của cây xanh, là thành phố xanh. Cụ thể, diện tích công viên cây xanh, đường phố có cây xanh ở thành phố Huế hiện lên đến hơn 750ha trong tổng số 7.100ha đất công cộng. Diện tích đất cây xanh ở Huế (công viên, đường phố, thảm cỏ) đã đạt 18,5 m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan). Thú vị nhất ở Huế là hiện còn khoảng 750 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử, cho nên chính những khu vườn này đã tạo thành một tổng thể cây xanh cho đô thị Huế đầy ấn tượng.
Cây xanh ở Huế rất phong phú, đa dạng, có ít nhất hơn 170 loài thuộc 45 họ thực vật khác nhau với đủ các gam mầu cơ bản và các kiểu dáng tự nhiên. Ở Huế có những con đường mà người ta đã quên đi tên chính thức của nó và thay vào đó là tên của những loài cây đã hiện hữu suốt bao năm tháng. Ðó là đường Ðoàn Thị Ðiểm với nhiều cây phượng đỏ mà mỗi lần nhắc đến con đường này mọi người đều quen gọi là "đường phượng bay"; hay đường Huỳnh Thúc Kháng người ta quen gọi là "hàng Me, hàng Ðoác"...
Theo ông Thái Quang Trung, Chủ tịch hệ thống thế giới xanh (Green world system), với vốn văn hóa lâu đời và phong cách sống của người Huế cần thúc đẩy yếu tố "hiếu khách" gắn với việc xây dựng du lịch cộng đồng bền vững. Đây là những nhân tố để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại thành phố này.
Một thách thức không chỉ đối với Huế mà các đô thị Việt Nam là ô nhiễm môi trường và xử lý rác và nước thải. Trong bộn bề với quá trình phát triển đi lên, thành phố Huế vẫn ưu tiên đầu tư cho công tác này. Huế đang triển khai dự án cải thiện môi trường nước thành phố có tổng mức đầu tư 24 tỷ yen, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng 250km cống hỗn hợp cao cấp; 30km cống bao thu gom nước thải; 90 cửa đập; 9 trạm bơm; nạo vét 400.000m3 bùn đất ở sông, hồ; xây dựng một nhà máy xử lý nước thải với công suất 20.000m3/ngày, đêm. Đây cũng là dự án phát triển hạ tầng đô thị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được triển khai tại thành phố Huế.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 dự án bắt đầu triển khai thi công trong vòng 8 năm kể từ 2011-2018, trong phạm vi 12 phường thuộc khu vực phía Nam thành phố với diện tích 1.010ha, phục vụ cho gần 146.000 người. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện tại khu vực phía Bắc thành phố sau khi giai đoạn 1 kết thúc.
Trong giai đoạn 1, dự án tập trung cải tạo, xây mới hơn 298km hệ thống cống thoát nước hỗn hợp (thu gom nước mưa và nước thải) và 8 trạm bơm. Nước thải từ hệ thống thoát nước hỗn hợp được tách ra tại 96 giếng tách. Nước bẩn qua các tuyến cống bao về Nhà máy xử lý nước thải với công suất 20 ngàn m3/ngày đêm trên diện tích 9,5ha tại phường An Đông và được xử lý bằng công nghệ bùn hoạt tính.
Như vậy, sau khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, có khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong quy mô xây dựng, các sông An Cựu, Như Ý Bắc, Phát Lác và hói Mộc Hàn sẽ được nạo vét và xây kè chống xói lở với chiều dài khoảng 5km.
Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế sau khi hoàn thành góp phần tăng cường năng lực xử lý nước, giảm nhẹ thiên tai do ngập úng cho thành phố Huế, và thực hiện thu gom, xử lý nước thải; nâng cao chất lượng nước sông Hương và các sông trong thành phố Huế; cải thiện điều kiện sống, môi trường sinh thái, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thành phố Huế phát triển. Có khoảng 400.000 người dân sống trên địa bàn thành phố Huế sẽ được hưởng lợi từ những cải thiện to lớn về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải này...
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định thành phố Huế đang duy trì và hướng đến địa bàn có không khí sạch, đất sạch, nước sạch theo các tiêu chí thành phố bền vững môi trường ASEAN. Đây cũng là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: TTXVN