Có lẽ ấn tượng đầu tiên của khách du lịch khi đặt chân đến địa điểm này đó là cái tên của bảo tàng: “bảo tàng Đồng Đình – Khu vườn của ký ức”. Một cái tên khơi gợi cho chúng ta sự tò mò và liên tưởng về một không gian kiến trúc vừa có chiều sâu văn hoá, vừa đượm chất cổ kính, nghệ thuật, lại phảng phất hơi thở của thiên nhiên khoáng đạt. Được biết “ đồng đình” là tên loại cây họ cau ( caryota mitislour ) mọc phổ biến ở rừng cấm Quốc gia Sơn Trà. Loài cây này mọc tự nhiên và được trồng thêm xung quanh khu vực bảo tàng như một điểm nhấn cho cảnh quan sinh thái chung, có lẽ vì thế nó được lấy làm tên cho bảo tàng , thể hiện đặc trưng riêng của thiên nhiên nơi đây.
Khác với những bảo tàng chúng ta thường thấy, Bảo tàng Đồng Đình là một quần thể kiến trúc được thiết kế và xây dựng hài hoà, thân thiện với thiên nhiên, sử sụng tối đa lợi thế địa hình tự nhiên, đồng thời hạn chế tối thiểu sự phá vỡ hay làm biến dạng đến cảnh quang chung của quần thể địa lý bán đảo Sơn Trà. Vì vậy Bảo tàng Đồng Đình được đánh giá là một địa chỉ văn hoá độc đáo kết hợp hài hoà giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với không gian văn hoá nghệ thuật.
Khép mình dưới những tán cây xanh mướt, bảo tàng hiện ra như một khu nhà vườn trung du truyền thống xứ Quảng. Xunh quanh các loạ cây tạp được cải tạo để trồng them cây bản địa và cỏ tóc tiên tạo thành một lớp thảm xanh chủ đạo mang đến không gian xanh mát, yên tĩnh. Bên cạnh đó có 3 hồ nước nhỏ dùng để nuôi cá, kết hợp với âm thanh róc rách tự nhiên của dòng suối Bụt đã tạo hiệu ứng sơn thuỷ hài hoà cho không gian ở đây.
Không gian trưng bày ở đây gồm có :
1. Khu trưng bày cổ vật :
Hai ngôi nhà rường cổ theo phong cách kiến trúc của thợ Kim Bồng, với một không gian đượm chất cổ kính. Đây là nơi trưng bày các hiện vật cổ có niên đại từ 100 năm đến 2500 năm, đã được giám định thuộc các nền văn hoá Đại Việt, văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chămpa, văn hoá Trung Hoa và các nền văn hoá khác trong khu vực.
Bộ sưu tập gốm cổ ở đây được các chuyên gia khảo cổ học do Giáo sư – Tiến sĩ Lưu Trần Tiêu ( nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đà Nẵng) làm Chủ tịch Hội đồng giám định quốc gia dẫn đầu, đã đến tham quan và đánh giá là có một số tiêu bản quý nhìn thấy lần đầu ở Việt Nam như khuyên tai hình lá liễu ( đá ), vòng đeo chân (đá ) và nhiều hiện vật gốm sư có tên gọi là gốm Gò Sành - vốn được coi là một trong những trung tâm gốm khá phồn thịnh của Châu Á từ thế kỉ XIII – XV của người Chăm cổ.
2. Khu trưng bày tác phẩm Mỹ thuật:
Một nét độc đáo khác của bảo tàng được các chuyên gia kiến trúc và môi trường đánh giá cao đó là ngôi nhà kiến trúc hiện đại theo phong cách nhà vườn đồi, có nền cao thấp khác nhau dựa vào địa thế nguyên thuỷ của khu đất.
Điều đặc biệt trong kết cấu kiến trúc của công trình này là sử dụng các khối đá tự nhiên tại chỗ xâm nhập vào nội thất tạo hiệu ứng thẫm mỹ rất lạ nhưng không kém phần nghệ thuật.
3. Nhà Kí ức làng chài :
Ngoài 2 gian nhà rường, ông Giao còn lưu trữ những văn hoá cổ xưa với những bức tranh làng chài đến nhưũng hình ảnh người Chăm xưa, được chụp vào những năm 1908-1910 tại một ngôi nhà đặc biệt mang tên “ Ký ức làng chài”.
4. Nhà trưng bày dân tộc học:
Một điểm nhấn khác để thay đổi “ khẩu vị “ của người xem là bộ sưu tập dân tộc học được sưu tầm từ các buôn làng dân tộc thiểu số khu vực miền Trung – Tây Nguyên trưng bày xen kẽ vào các công trình chức năng khác, tạo hiệu ứng tương thích với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Bộ sưu tập này là kết quả của những năm tháng mà NTƯT Đoàn Huy Giao đã lang thang làm phim tài liệu trên những vùng sơn nguyên bao la, dọc những buôn làng của Tây Nguyên rộng lớn.
Các hiện vật này rất đáng được chú ý bởi ngoài chất khám phá nó còn tôn lên 1 cách hài hoà với không gian rừng chung quanh khu bảo tôn thiên nhiên Sơn Trà Đà Nẵng
Với mục đích không chú trọng vào thu lợi nhuận như các cơ sở kinh doanh du lịch khác, bảo tàng Đồng Đình được xây dựng chủ yếu nhằm tạo nên một điểm đến mang giá trị cao về mặt văn hoá lịch sử tại thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng vừa là cơ sở góp phần vào sự phong phú thêm cho các sản phẩm văn hoá du lịch của thành phố, vừa là điểm giao lưu, tổ chức các sự kiện nhỏ giữa các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập, các nghệ sĩ tạo hình có nhu cầu một không gian sáng tác, nghiên cứu và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại.Đây thực sự là một điểm đến thú vị không chỉ dành cho những ai yêu thích nghệ thuật, văn hoá và lịch sử mà còn là điểm đến cuối tuần để thư giãn và tránh xa những xô bồ của cuộc sống, một nơi tuyệt vời dành cho du khách ghé thăm khi đến du lịch Đà Nẵng
Nguồn: http://www.danangplus.com/