Đây là nơi để tổ chức và giới thiệu các chương trình Nhã nhạc cung đình và ca Huế thính phòng, các trò chơi cung đình, dạy múa hát cung đình cho thiếu niên nhi đồng; chiếu phim truyện và phim tài liệu về di sản văn hóa Huế và tổ chức các hoạt động, sự kiện theo phong cách Huế…
Di tích lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc hai tầng nằm trên Bắc Khuyết Đài của Hoàng thành Huế, được Vua Khải Định xây dựng năm 1923, trên diện tích 1.650m2.
Trước khi công trình này được xây dựng, đây là vị trí của Đình Tứ Thông nằm trên Bắc Khuyết Đài được xây dựng vào năm 1804 (thời Vua Gia Long). Trong quá trình tồn tại, ngôi đình trên được sửa chữa vào các năm Minh Mạng thứ 11 (năm 1830) và thứ 14 (năm 1833).
Tuy nhiên, đến thời Vua Đồng Khánh, ngôi đình trên đã bị xuống cấp và đã được tháo dỡ do không có điều kiện sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Đến năm 1923, Vua Khải Định cho xây dựng trên Bắc Khuyết Đài một công trình kiến trúc hai tầng với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cách Á-Âu, được đặt tên mới là lầu Tứ Phương Vô Sự - mang nghĩa mong mọi sự bình yên. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sau 20 tháng trùng tu xây dựng.
Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty Lê Quý Dương tổ chức khai trương dịch vụ "Ngự thuyền sông Hương" Như vậy, cùng với "Không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự," Huế đã có thêm hai điểm hẹn văn hóa mới trong tour du lịch đến với vùng đất Cố đô Huế.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Các điểm hẹn văn hóa mới nói trên góp phần tạo nên không gian sống động trong quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút khách du lịch. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu nguồn thu dịch vụ đạt tỷ trọng 30% so với nguồn thu bán vé tham quan trong hệ thống di tích Cố đô Huế.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức kết nối 8 tuyến, điểm với nhau trong khu di sản với rất nhiều điểm dừng chân để du khách có thể tham quan, thưởng lãm và mua sắm hàng lưu niệm.
Đó là khu vực Kinh thành - Hoàng thành; cụm di tích Võ Miếu - Văn Miếu - Khải Thánh Từ; cụm di tích lăng Tự Đức - Đồng Khánh - Kiên Thái Vương - đồi Vọng Cảnh - các lăng mộ hoàng gia khác (chân đồi Vọng Cảnh); cụm di tích Lăng Thiệu Trị - điện Hòn Chén - lăng Hiếu Đông - lăng Cao Hoàng (lăng Cơ Thánh); cụm di tích lăng Gia Long và lăng các chúa Nguyễn ở thượng nguồn sông Hương, khu vực lăng Minh Mạng, khu vực lăng Khải Định; cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré; cụm di tích Cung An Định, cụm di tích Đàn Nam Giao và khu vực Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình.../.
Nguồn: http://dulichvn.org.vn