Lễ Lập tĩnh hay còn gọi là lễ Đặt tên, chỉ dành cho con trai khi 10-12 tuổi, anh Bàn Văn Lâm – Trưởng thôn xóm Mít giải thích: Mỗi con trai là một nhà riêng, một giường thờ riêng, nối giỏi cho tổ tiên thì mới đặt tên, còn con gái sau này đi lấy chồng sẽ theo dòng họ khác.
Như vậy, người đàn ông dân tộc Dao, ai cũng có hai cái tên, một tên thường gọi và một tên được đặt trong lễ Lập tĩnh chỉ để dung cho những dịp cúng lễ, trình báo tổ tiên, gọi là bí danh, có nơi gọi nôn na là “tên âm”. Thế nhưng đây lại là cái tên có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời của người đàn ông Dao Tiền. Nếu anh không làm lễ Lập tĩnh, không có tên cúng cơm thì cũng đồng nghĩa với việc anh là người kém cỏi, chưu đủ tư cách làm người lớn, không có vai trò vị trí trong dòng họ, trong cộng đồng theo quan niện từ bao đời truyền lại, và quan trọng hơn khi chết không về được với tổ tiên. Còn khi làm lễ đặt tên mọi quyền lợi được hưởng, anh ta còn được mời đi làm thầy trong các lễ Lập tĩnh của con cháu bên họ ngoại.
Trước kia, nhiều người quá nghèo, khi còn sống không có tiền làm lễ Lập tĩnh cho con. Khi họ qua đời người con ấy phải sắm lễ Lập tĩnh tự đặt tên cho mình. Và không ít người Dao Tiền khi bước vào tuổi cổ lai hy vẫn không có tên vì trong đời họ chưa bao giờ làm lễ Lập tĩnh. Thế nên mới có chuyện có những cụ ông 70-80 tuổi, lứa tuổi có thể trở già làng, nhưng do chưa làm lễ đặt tên, họ bị xếp vào mâm dưới, ngồi ăn cùng với đám con nít. Tuy nhiên, lễ đặt tên của người Dao Tiền thực chất là lễ công nhận một thành viên chính thức của dòng họ đã đến tuổi trưởng thành có quyền và mọi nghĩa vụ trong dòng họ. Lễ đặt tên còn là sự trình báo cho tổ tiên biết một thành viên của dòng họ nhập vào tổ tiên có nghĩa vụ nối dõi và làm tròn phận sự của mình…
Ngày làm lễ Lập tĩnh là ngày vui của gia đình, dòng họ và cũng là ngày vui của cả bản làng. Nghi lễ gồm có gà, rượu, gạo và bắt buộc phải có 3 con lợn. Hai ông thầy mo có uy tín được mời đến cúng suốt hai ngày, hai đêm. Đúng 12 giờ đêm đầu tiên của lễ đưa bé sẽ phải cùng bố mẹ đẻ của mình ăn hết 1 con gà. Cái tên được đặt vào lúc 1 giờ sáng. Người ta vừa hát vừa nhảy múa gọi là hát chào chèo, Điệu hát chào chèo không được hát bất cứ ở đâu, làm đám Lập tĩnh mới được hát đó là điệu hát mời tổ tiên đến chứng giám.
Có thể nói lễ Lập tĩnh của người Dao Tiền còn tồn tại đến ngày nay đã góp phần lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Dao. Tuy nhiên để làm một cái lễ Lập tĩnh người Dao Tiền phải có ít nhất một tạ gạo, 100 lít rượu, 50 con gà 3 con lợn từ 50 đến 80 kg/con. Nay thực hiện nết sống mới, lễ Lập tĩnh còn có phần đơn giản hơn. Nếu muốn tham dự vào lễ Lập tĩnh của đồng bào Dao Tiền bạn phải đến các bản làng Dao Tiền khoảng tháng 11, 12 hoặc vào mùa xuân./.
Nguồn: http://dulichvn.org.vn/