Cầu Rồng
Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Linh, Phước Ninh, Đà Nẵng
Tổng quan:
Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống 1 con rồng nên được gọi là Cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe chạy. Nó được chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013, kinh phí xây cầu gần 1,5 nghìn tỷ đồng (US$88m). Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger.
Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương/Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và Bãi biển Non Nước ở rìa phía đông của thành phố. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật.
Khám phá:
Khả năng phun lửa và phun nước
– Phun lửaTheo thiết kế, con rồng trên cầu có thể phun lửa trong hai phút và kế tiếp là 3 phút phun nước khiến cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo và hấp dẫn ở Thành phố Đà Nẵng.
– Phun nướcMột lần phun (3 phút), cần 20m3 nước và 40kWh điện. Con Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tao ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s.
Thời gian phun lửa và phun nước: bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày Lễ lớn.
Cầu quay Sông Hàn
Địa chỉ: Ngã tư Lê Duẩn – Trần Phú, T.P Đà Nẵng
Tổng quan:
Là biểu tượng của Thành phố Đà Nẵng, không chỉ ẩn chứa trong đó vẻ đẹp độc đáo hay sự thú vị của một cây cầu quay duy nhất mà còn nằm ở việc cây cầu được xây dựng bởi chính những đồng tiền chắt chiu của người dân Đà thành.
Cầu sông Hàn khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000 và là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 11,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét.
Khám phá:
Thời gian cầu quay phục vụ khách du lịch: Từ 23h00 đến 00h00 các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật
Mục đích của việc xoay cầu sông Hàn là phục vụ giao thông đường thủy, khơi thông cho các tàu thuyền qua lại. Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại như cũ. Gần đây, tàu thuyền lớn không còn qua lại nữa nên việc xoay cầu đã ít đi và chủ yếu phục vụ cho công tác bảo dưỡng. Thức khuya ngắm cầu Sông Hàn quay, ngắm thành phố yên bình về đêm, người dân và du khách như tìm lại một chút tĩnh lặng trong tâm hồn. Phải chăng vì thế mà với nhiều người “chưa xem cầu Sông Hàn quay nghĩa là chưa cảm nhận hết vẻ đẹp của Đà Nẵng” ?
Thời gian cầu quay phục vụ khách du lịch: Từ 23h00 đến 00h00 các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật
Cầu Trần Thị Lý
Địa chỉ: Ngã tư đường 02-09 – Duy Tân, T.P Đà Nẵng
Tổng quan:
Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt, thời Pháp thuộc cầu được gọi là De Lattre de Tassigny, sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế, nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu. Sau năm 1975, cầu được đặt tên là cầu Trần Thị Lý, và được nâng cấp thành cầu đường bộ, cùng với cầu Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ thông thương, nối liền hai bờ sông Hàn.
Khám phá:
Cầu Trần Thị Lý được thiết kế độc đáo với tạo hình và định vị cho trụ tháp chính cao 145 mét nghiêng 12 độ về phía Tây gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía Đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía Tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh tạo hình thành một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông. Tổng bề rộng mặt cầu là 35.5m bao gồm: 6 làn xe giao thông, mỗi làn rộng 3.75m và 2 làn đường đi bộ, mỗi làn rộng 3.0m có lan can bảo hộ. Giao thông giữa các làn được phân chia thành các hướng khác nhau bởi giải phân cách rộng 5.0m ở giữa cầu. Điểm đặc biệt trong sơ đồ kết cấu của công trình cầu Trần Thị Lý chính là trụ tháp đơn, nghiêng 120 nhưng không có thiết kế dạng ngàm cứng như các cầu dây văng thông thường mà được liên kết cứng với dầm mặt cầu và tựa trên trụ S5 thông qua gối cầu hình chỏm cầu với sức chịu tải lên đến 25 nghìn tấn, là tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, để giảm kích thước bệ móng, tiết kiệm vật liệu.
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại cũng được ứng dụng trong quá trình thi công cầu Trần Thị Lý như: thi công dầm hộp bằng công nghệ đà giáo đẩy, ván khuôn trượt; thi công lắp đặt gối chậu có tải trọng thuộc loại lớn nhất trên thế giới; thi công trụ tháp nghiêng bằng ván khuôn leo; thi công lắp đặt và căng kéo cáp dây văng, quan trắc nội lực và chuyển bị khi thi công bằng thiết bị và công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Cầu Trần Thị Lý tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.
Cầu Thuận Phước
Địa chỉ: Ngã 3 đường Nguyễn Tất Thành – Như Nguyệt, T.P Đà Nẵng
Tổng quan:
Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.
Khám phá:
Với quan điểm thiết kế là kết cấu cầu phải thuộc loại hiện đại, tạo được điểm nổi bật nhưng không quá phức tạp, công nghệ thi công hiện đại nhưng phải từng được áp dụng trên thế giới để đảm bảo tính khả thi cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ thi công, ngày 19/7/2009, cầu Thuận Phước chính thức được thông xe với tổng chiều dài 1.856m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600m. Cầu rộng 18m với 4 làn xe (ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi dành cho xe đạp và xe thô sơ.
Phần nhịp chính dây võng của cầu gồm 3 nhịp dầm hộp thép liên tục dài 655m (125m+405m+125m) với tổng cộng 69 đốt dầm được nối với nhau bằng liên kết hàn. Cáp chủ gồm 2 bó cáp có đường kính Φ= 360 mm và cáp treo gồm 114 bó bố trí cách nhau trung bình 9,9m, gồm loại dây treo thông thường Φ= 65 mm và dây treo đặt biệt Φ= 101 mm. Ba nhịp dầm này được nối qua hai trụ tháp cao 80m (tính từ bệ cọc) với kết cấu dạng khung bằng Bê tông cốt thép. Kết cấu trụ được phác thảo mặt phẳng nhiều đường cong, tạo kiến trúc bằng các lồng kính, các chi tiết inox và nhôm. Hệ neo là kết cấu khung trọng lực trên hệ móng giếng chìm và mố neo cũng được phác thảo mặt phẳng nhiều đường cong với kiến trúc đẹp. Phần cầu dẫn phía Thuận Phước và Sơn Trà, mỗi bên gồm 12 nhịp dầm hộp Bê tông cốt thép dự ứng lực 50m liên tục. Trụ cầu dẫn dạng thân đặc Bê tông cốt thép M400, móng trụ đặt trên hệ cọc khoan nhồi đường kính Φ= 1500 mm, sâu đến 74 m.
Bên cạnh đó, với ý tưởng thiết kế ánh sáng là hình tượng cánh chim vươn ra biển lớn, công ty Philips đã sử dụng hệ thống đèn Led với công nghệ mới nhất mà công ty đang sử dụng cho những cây cầu trên thế giới để làm nổi bật thêm kiến trúc và vẻ đẹp tráng lệ của cầu Thuận Phước.
Nguồn: https://danangfantasticity.com