Mặc dù tiền bán vé chỉ đạt con số khiêm tốn so với số tiền bỏ ra cho lễ hội nhưng công tác quảng bá du lịch Huế đến với du khách là không thể thiếu và cần phải được đẩy mạnh từng ngày.
Ấn phẩm chất lượng về văn hóa Huế
Chính vì lẽ đó, Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho ra mắt và duy trì tập san “Văn hóa Huế” không vì mục đích kinh doanh, chỉ duy nhất mục đích quảng bá từ hơn 8 năm nay để giúp du khách biết đến vùng đất và con người xứ Huế một cách gần gũi và thân tình hơn.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, người chịu trách nhiệm xuất bản tập san “Văn hóa Huế”, cho biết thêm: “Từ khi ra đời, tập san “Văn hóa Huế” với những cây bút đã thành danh như nhà nghiên cứu Bửu Ý, Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Trần Nguyễn Khánh Phong… đã được bạn đọc xa gần hoan nghênh và tìm đọc. Nhiều hội đồng hương Huế ở các tỉnh thành đã yêu cầu gửi thêm tập san để mong muốn biết thêm sự phát triển và đổi mới từng ngày của quê hương”.
Tập san “Văn hóa Huế”, một ấn phẩm văn hóa ra mắt bạn đọc từ năm 2007, đăng tải những bài viết chất lượng về văn hóa Huế.
Ông Nguyễn Quê, người phụ trách biên tập nội dung hiện nay của tập san “Văn hóa Huế” cho biết, ấn phẩm được Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất bản số đầu tiên vào tháng 4-2007 với sự cấp phép của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến nay, tập san đã ra mắt bạn đọc được 31 số, gồm 23 số chuyên đề và 8 số Tết Âm lịch với 80-100 trang mỗi số phát hành, 600 - 1.000 ẩn phẩm mỗi kỳ phát hành.
Tập san “Văn hóa Huế” có 4 chủ đề phản ánh là: văn hóa - thời luận, văn hóa - di sản, văn hóa - nghệ thuật, văn hóa - đời sống. Đặc biệt, tập san là một kênh quảng bá thông tin cho Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, quảng bá cho Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012. Nhiều sáng tác văn học của nhiều nhà văn, nhà thơ của Huế cũng lần đầu tiên xuất hiện trên tập san “Văn hóa Huế”.
Mong muốn về một tạp chí “Văn hóa Huế”
Ông Nguyễn Quê, người phụ trách biên tập nội dung hiện nay của tập san “Văn hóa Huế” cho biết: “Nhiều bạn đọc ở các tỉnh thành khá bất ngờ về chất lượng của tập san. Bởi vì tập san không có ban biên tập chuyên trách, chỉ là người trong sở kiêm nhiệm và lại là ẩn phẩm phát hành không vì mục đích kinh doanh nhưng chất lượng ấn phẩm lại không hề thua kém các tạp chí văn hóa ở các tỉnh bạn như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam.
Ấn phẩm “Văn hóa Huế” cũng tham gia Hội báo Xuân hàng năm của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, một giáo sư người Mỹ cũng đã tìm về Việt Nam và đến Huế để tìm cho được những ấn phẩm của tập san “Văn hóa Huế” nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa Việt Nam vì khá bất ngờ về giá trị tham khảo khi sinh viên của mình vô tình đọc được ấn phẩm này trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Thật buồn cho Huế vì một vùng đất văn hóa lâu đời như Huế mà vẫn chưa có một tạp chí Văn hóa Huế, trong khi phần văn hóa Huế lại xuất hiện rời rạc ở nhiều ấn phẩm khác như Báo Thừa Thiên - Huế, tạp chí Huế Xưa & Nay, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, tạp chí Sông Hương. Nhưng nếu phân công được các tờ báo ở Huế về mảng chuyên trách và có tạp chí Văn hóa Huế thì chúng ta sẽ tạo ra thế mạnh và sự đột phá cho mỗi ấn phẩn báo chí”.
Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cũng bày tỏ: “Tập san Văn hóa Huế nên đẩy mạnh việc nghiên cứu về văn hóa Huế hơn nữa, đặc biệt nên có thêm chuyên mục văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế, không chỉ ở A Lưới mà còn nên mở rộng ra cả ở Nam Đông”.
Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho rằng, tập san “Văn hóa Huế” nên có nhiều bài phản biện nhiều hơn, nhất là phản biện về những sự kiện văn hóa trước mắt, nóng bỏng và cần phải giải quyết ngay như giúp đỡ cho những tài năng lớn tuổi, có nhiều đóng góp cho tỉnh nhà nhưng hoàn cảnh neo đơn, khó khăn; chấn chỉnh chất lượng ca Huế trong phục vụ du lịch; xây dựng lại phong trào học sinh - sinh viên theo hướng tích cực hơn; phát động phong trào học tiếng Anh để đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế; bồi dưỡng văn hóa đọc sách để giới trẻ hiểu thêm về văn hóa dân tộc.
Nguồn: http://dulichvn.org.vn